Theo đó, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thành phố và Chủ tịch UBND 11 phường triển khai, tuyên truyền, phổ biến Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ đến các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn.

Ảnh: Người dân đến giao dịch tại các điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Long đặt tại UBND các phường
Theo Đề án, các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi đại dịch COVID-19, có nhu cầu vay vốn để kinh doanh thương mại - dịch vụ thuộc các lĩnh vực ăn uống, buôn bán nhỏ lẻ, dịch vụ, du lịch, làng nghề truyền thống, đồ dùng, tạp hóa, trang thiết bị, dịch vụ vận chuyển, chăn nuôi, trồng trọt, khai thác nuôi trồng thủy hải sản và các đối tượng khác phù hợp với điều kiện cho vay của Đề án. Thời hạn vay vốn tối đa là 05 năm (60 tháng). Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Dự kiến, tổng nguồn vốn thực hiện Đề án khoảng 320 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách của tỉnh 80 tỷ đồng, ủy thác trong 2 năm, bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội 40 tỷ đồng. Nguồn vốn trung ương 240 tỷ đồng, bố trí trong 02 năm, bình quân mỗi năm trung ương bố trí 120 tỷ đồng đối ứng với địa phương.
Đề án nhằm giải quyết cho 8.000 cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định cuộc sống, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 3%; tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên 90% và ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa thiếu việc làm, lao động thất nghiệp trên địa bàn./.
HỮU THÀNH (Trung tâm VH,TT&TT.TPVL)