Trong đó, về kế hoạch dư nợ tín dụng, các đơn vị được phép thực hiện tăng trưởng dư nợ tối đa bằng 2% so với dư nợ của từng chương trình tín dụng tại thời điểm 31/12/2022. Đối với chương trình cho vay Hộ nghèo, Hộ cận nghèo và Hộ mới thoát nghèo thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch dư nợ giữa 03 chương trình trên cơ sở đảm bảo theo thứ tự ưu tiên tập trung vốn giải ngân cho vay Hộ nghèo, Hộ cận nghèo và cuối cùng là Hộ mới thoát nghèo. Đối với chương trình cho vay Hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn và Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn: từ thời điểm 01/01/2023 đối với các đơn vị thu hồi nợ đến hạn của các chương trình này mà không còn đối tượng để giải ngân và không tăng trưởng được dư nợ, sau khi đã cân đối đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của 2 chương trình này thì phần dư nợ giảm còn lại so với dư nợ thực hiện đến 31/12/2022, chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân, tham mưu Trưởng Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh để chuyển sang cho vay tương ứng một số chương trình tín dụng theo thứ tự ưu tiên Hộ nghèo, Hộ cận nghèo, Hộ mới thoát nghèo, Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Đối với các chương trình tín dụng chính sách trong thời hạn thực hiện còn lại và các dự án còn thời hạn thực hiện, các đơn vị quản lý, thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng, nhưng không vượt quá dư nợ tại thời điếm 31/12/2022. Riêng đối với chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định sô 61/2015/NĐ-CP, các đơn vị thực hiện giải ngân theo chỉ tiêu kế hoạch dư nợ tín dụng đã được giao đến hết năm 2022.
Đối với các chương trình đã hết thời hạn thực hiện, chương trình cho vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, dự án RIDP, các đơn vị đôn đốc thu hồi nợ đến hạn để trả nợ, không cho vay quay vòng.
Phòng KHNVTD (NHCSXH tỉnh Vĩnh Long)