Đến nay, qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, thành phố Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. An ninh chính trị được giữ vững, hệ thống chính trị được kiện toàn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhân không ngừng được nâng cao, đặc biệt trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội thành phố đã phấn đấu thực hiện đạt được nhiều thành tựu nổi bật xứng đáng với chức năng là đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân của tỉnh.

Ảnh: Quang cảnh đô thị thành phố Vĩnh Long sau 10 năm thành lập và phát triển.
Hơn 10 năm qua, kinh tế thành phố không ngừng tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ - thương mại – công nghiệp. Môi trường đầu tư được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố đạt 11.486 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với năm 2008, bình quân hàng năm tăng hơn 10%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.264 tỷ đồng, tăng bình quân hơn 11/năm; quy mô sản xuất công nghiệp tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008, bình quân tăng gần 6% trên năm; thu nhập bình quân đầu người 51,5 triệu đồng/ người, tăng gấp 1,42 lần so với năm 2015.
Thương mại dịch vụ và du lịch trên địa bàn thành phố phát triển đa dang, chất lượng được nâng cao đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của người dân. Trong đó, thương mại dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại, nhất là ở các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như: tài chính, hệ thống các chi nhánh ngân hàng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, lưu trú, siêu thị bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, vui chơi giải trí… Nhiều công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị cũng được xây dựng và đưa vào hoạt động như: Siêu thị Coop mart, chợ Vĩnh Long, Siêu thị điện máy Xanh, Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Siêu thị điện máy Chợ Lớn, Siêu thị Nguyễn Kim,… cùng với nhiều cửa hàng kinh doanh thương mại, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đảm bảo cung cấp hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố cũng phát triển nhanh theo hướng phù hợp với đô thị và phát triển bền vững. Toàn thành phố hiện có hơn 1.300 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động các ngành công nghiệp và xây dựng với hơn 15.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 5.164 tỷ đồng, tăng gấp 1,55 lần so với năm 2015, với một số ngành hàng quan trọng được quan tâm phát triển như: bê tông ly tâm, quần áo gia công, cửa sắt, cửa nhôm, nước tinh khiết, giày dép da….
Hoạt động du lịch luôn được quan tâm, cơ sở hạ tầng các điểm du lịch được nâng cấp, hình thành các sản phẩm du lịch phong phú như: du lịch tham quan di tích, lễ hội dân gian, nghệ thuật đờn ca Tài tử, Hát bội; du lịch cộng đồng gắn với tham gia các hoạt động cảnh quan sông nước, tìm hiểu văn hóa cộng đồng, bản địa theo mô hình Homestay; tìm hiểu canh tác lúa nước thông qua thực tế, kết hợp trải nghiệm các làng nghề truyền thống tiêu biểu, vườn cây ăn trái, nhà nghỉ, du lịch sinh thái miệt vườn... Qua đó, thu hút khách du lịch đến thành phố tăng bình quân 14%/ năm, đóng góp tích cực cho phát triển thương mại – dịch vụ nói riêng, kinh tế thành phố nói chung.
Nông nghiệp thành phố phát triển theo hướng nông nghiệp đô, thực hiện tốt việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng công nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản phẩm sản phẩm trồng trọt trên một diện tích đất canh tác tăng bình quân 4,25%/ năm, năm 2020 đạt 144 triệu đồng/ha.
Một điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của thành trong hơn 10 năm qua, đó là sự phát triển mạnh mẽ về xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị. Bằng nhiều nguồn vốn từ trung ương, tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và trong nhân dân… qua hơn 10 năm thành lập, thành phố Vĩnh Long đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật tạo sự thay đổi rõ nét cho diện mạo của thành phố và phục vụ tích cực cho việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân về mọi mặt. Chỉ tính trong giai đoạn 2015 – 2020, thành phố đã triển khai thực hiện hơn 94 công trình với số tiền hơn 1.300 tỷ đồng. Đến nay, thành phố có tổng chiều dài mạng lưới đường giao thông chính nội thị là 87,32 km, tăng 40,42 km so với năm 2008, tổng diện tích đất giao thông đô thị 365,7 ha, bình quân diện tích đất giao thông trên dân số đô thị đạt 21,47 m2/ người. Những tuyến đường Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa, đường tránh Quốc lộ 1A, đường Tân Phú, các tuyến đường của Khu du lịch sinh thái xã Tân Ngãi, cầu qua Cồn Chim, kè sông Cổ Chiên, đường Mậu Thân 2… được hình thành đã kết nối giao thông thuận lợi cho các khu vực và làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của thành phố. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng, dự án phát triển đô thị, các công trình giao thông trọng điểm tạo động lực phát triển đô thị như: tuyến đường Bờ Kênh, đường ranh Phường 2 – Phường 9, đường Võ Văn Kiệt giai đoạn tiếp theo, các công trình kè, Khu hành chính tỉnh Vĩnh Long, Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 và đường Cao Tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đi qua TP Vĩnh Long… Các công trình trên khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho thành phát triển nhanh trong thời gian tới.
Điểm nhấn của thành tựu phát triển đô thị được đánh dấu bằng hai sự kiện đặc biệt quan trọng đó là đến năm 2020 thành phố Vĩnh Long đã hoàn thành việc đưa 4 xã lên phường (theo Nghị quyết số 860/NQ-UBTVQH14, ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh (theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg, ngày 31/07/2020).
Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn thành phố phát triển đa dạng phong phú, đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, nhiều công trình vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng như: Quảng trường TPVL, Công viên Tượng đài chiến thắng Mậu Thân, Công viên Truyền hình Vĩnh Long, Công Viên Phường 9, các câu lạc bộ sở thích, câu lạc bộ thể dục thể thao... Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục phát huy hiệu quả, thành phố hiện có 58/58 khóm đạt chuẩn văn hóa, 96,29% hộ gia đình văn hóa, 6/11 phường đạt phường văn minh đô thị.
Thành phố Vĩnh Long hiện nay là một trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với 02 trường đại học là Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long và Đại học Xây dựng Miền Tây; 01 Phân hiệu Trường Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long; 01 trường Cao đẳng Vĩnh Long (sáp nhập từ 03 trường Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long và Trung học Y tế); 06 trường Trung học phổ thông và nhiều cơ sở giáo dục khác. Bên cạnh đó, thành phố hiện có 100% các địa phương có trường mầm non và tiểu học đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, đảm bảo 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được quan tâm, thành phố có hệ thống mạng lưới cơ sở vật chất, thiết bị y tế đáp ứng tốt nhu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt, tỉ lệ tăng dân số tư nhiên duy trì ở mức 0,74%.
Đặc biệt, với việc đưa vào hoạt động của Bệnh viện Xuyên Á và bệnh viện Triều an – Loan Trâm đã nâng số bệnh viện lớn trên địa bành thành phố lên 05 bệnh viện, với quy mô trên 1.500 gường bệnh; 04 phòng khám đa khoa; trên 100 phòng khám chuyên khoa và các trung tâm dịch vụ khám chữa bệnh, cùng 11 Trạm Y tế phường nâng tỉ lệ giường bệnh lên 118,2 giường/ vạn dân và có 36,7 bác sĩ/ vạn dân.

Ảnh: Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,
trao Quyết định Công nhận thành phố Vĩnh Long là đô thị loại II trực thuộc tỉnh cho Đảng bộ và nhân dân thành phố Vĩnh Long.
Những thành tựu đạt được của thành phố Vĩnh Long qua hơn 10 năm được thành lập là kết quả phấn đấu của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân thành phố Vĩnh long, những thành tựu đó là tiền đề thuận lợi, là động lực to lớn để thành phố tiếp tục phấn đấu vươn lên giành những thắng lợi mới. Trong thời gian tới để phát triển thành phố Vĩnh Long xứng tầm là đô thị loại II, là đầu tàu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố Vĩnh Long sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đạt chuẩn đối với 6 tiêu chuẩn chưa đạt của tiêu chí đô thị loại II gồm: Đất cây xanh công cộng trong khu vực nội thị; Diện tích sàn nhà ở bình quân; Mật độ đường giao thông chính; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý; Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt và Tỷ lệ tăng dân số hàng năm. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển theo hướng bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng sử dụng có hiệu quả các lợi thế trên tất cả các ngành, lĩnh vực với hàm lượng khoa học công nghệ cao và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường để phát triển bền vững. Triển khai, tổ chức thực hiện tốt 03 khâu đột phát về: Đào tạo và sử dụng tốt nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị phù hợp với mục tiêu lâu dài của thành phố; Thu hút vốn đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố; Phát triển thương mại – dịch vụ theo hướng hiện đại, gắn kết phát triển du lịch sinh thái.
Tiếp tục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát triển nhiều loại hình văn hóa, vui chơi giải trí, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo. Nâng cao chất lượng khám và điều trị, thực hiện tốt công tác bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ; phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phù hợp với đặc điểm du lịch sinh thái đô thị Đồng bằng sông Cửu Long. Phát huy thế mạnh của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố Vĩnh Long thành Đô thị văn minh./.
Đặng Văn Lượng – Chủ tịch UBND TPVL