Lễ hội truyền thống

 


Lễ Hội Kỳ Yên
Chương trình lễ kỳ yên thường kéo dài hai ngày một đêm, gồm có các nghi lễ chính là: lễ thỉnh sắc thần; lễ tế Thần Nông, cúng miễu, liệt sĩ; lễ Túc yết; lễ Chánh tế; lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, Hội viên quá vãng; lễ đưa sắc thần. Mục đích của lễ kỳ yên là tế thần thành hoàng để cầu quốc thái dân an, xóm làng thịnh vượng, no ấm.

Các đình đều thờ Tiền hiền, Hậu hiền là những người có công quy dân lập làng hoặc bỏ tiền của xây dựng các công trình phúc lợi công cộng đầu tiên để lại gương soi cho đời sau. Cho nên nói chung, lễ kỳ yên mang ý nghĩa là ngày giỗ hội của làng.

Các nghi lễ thường giống nhau, gồm một tiết mục dâng hương, ba lần dâng rượu, một lần dâng trà. Cuối một nghi lễ đều có một bài văn tế thay cho lời khấn, nội dung gồm những lời tán dương thần thánh và lời cầu nguyện của dân làng. Khi tế lễ phải có dàn nhạc cụ gõ nhịp gồm: mõ, chiêng, trống, chuông.

Trong thực tế, ở lễ kỳ yên thì phần “lễ” chiếm phần quan trọng hơn phần “hội”. Các đối tượng cúng lễ là một tập hợp thần linh đông đảo không chỉ riêng có thần Thành hoàng bổn cảnh.

Lễ kỳ yên là dịp để dân làng họp mặt, bàn chuyện gia đình yên ấm, vui chơi. Xưa kia, ở các đình còn có tục cứ ba năm đáo lệ tổ chức hát bội, cúng thần giúp vui bá gia, bá tánh. Những tục lệ này nhằm thắt chặt tình cộng đồng. Còn hát xướng trong ngày lễ kỳ yên không phải là văn nghệ bình thường mà mang nội dung nghi lễ. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu.

Lễ kỳ yên còn là dịp để các nghệ nhân thể hiện sự khéo léo như chưng hoa, kết quả. Buổi lễ cũng là dịp cho người làm vườn giới thiệu các loại cây trái mới, người làm ruộng giới thiệu các giống nếp ngon qua tài nữ công của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, tiệc tùng trong ngày lễ kỳ yên chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi, hoàn toàn không có tục “chiếu trên, chiếu dưới” nhậu nhẹt say sưa.


Lễ Cúng Miếu
Lễ cúng miễu mang tính dân dã, cả nam nữ, già trẻ đều có thể đến cúng lạy. Ban tổ chức cúng kiến có thể là một bô lão, một trùm ấp, một nông dân, một phụ nữ. Lễ vật cúng kiến biểu hiện cho tấm lòng của bà con trong xóm.

 

 

Các lễ hội ở đình, miếu thu hút nhiều khách đến hành hương lễ bái hàng năm
Chương trình lễ cúng miễu là chương trình lễ kỳ yên thu gọn. Tùy theo đối tượng của miếu thờ phụng, có thể chia ra làm ba loại lễ cúng miễu: lễ cúng miễu Ông, lễ cúng miễu Cô Hồn, lễ cúng miễu Bà.
Lễ cúng miễu Ông: miếu Ông là miếu thờ các vị nam thần xuất phát từ văn hoá Hán - Việt, gồm có Quan Công, Thổ Địa, thần Nông. Nghi lễ cúng miễu Ông là nghi lễ Nho giáo, gồm có các lễ: Thỉnh Tro (thỉnh lư hương từ đền thờ chính về miếu, mang ý nghĩa thỉnh thần về dự lễ), cúng Tiền Yết, Chánh Cúng, cúng Tiên Sư, Tiền Vãng (tức là những bậc đàn anh có công với xóm ấp, những người đứng ra lập miếu). Những nơi có điều kiện có thể dùng nghi thức tế với nhạc lễ, lễ sanh, … thay vì dùng nghi thức cúng vái bình thường. Trừ những nơi thờ Quan Công phải có ba ngày vía (vía sanh ngày 13 tháng giêng âm lịch, vía tử ngày 13 tháng năm, vía hiển thánh ngày 23 tháng 6) còn các miếu thờ Thổ Địa hoặc Thần Nông chỉ có hai ngày lễ hội là lễ xuân tế hay lễ thu tế, lễ Hạ Điền và lễ Thượng Điền. Các ngày vía này thường không thống nhất mà do các địa phương quy định.
Lễ cúng miễu Cô Hồn: chương trình cúng miễu Cô Hồn cũng giống như chương trình cúng miễu Ông. Ngoài ra khi cúng miễu Cô Hồn còn phải mời các nhà sư đến tụng kinh cầu siêu và khí thực cho Cô Hồn. Mỗi năm có ba lễ cúng Cô Hồn: rằm và 16 tháng giêng, rằm và 16 tháng mười và đặc biệt nhất là rằm và 16 tháng bảy âm lịch là ngày xá tội vong nhân, không thể nào thiếu được.
Lễ cúng miễu Bà: tại Vĩnh Long có nhiều miếu thờ Thất Thánh Nương Nương, Ngũ Hành Nương Nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, … nhưng đều áp dụng nghi lễ cúng miễu nữ thần Thiên Y Ana. Chương trình cúng miễu Bà gồm các nghi thức: lễ thỉnh Đất và Nước, lễ cúng Tiên Sư, Tiền Vãng, lễ Tiền Yết, lễ Chánh Cúng. Đặc biệt, vì nữ thần Thiên Y Ana thuộc tín ngưỡng Chăm nên trước kia có tục mời bà bóng đến rỗi mời, múa dâng lễ. Các nghi tiết này đều có dàn nhạc lễ diễn đầu. Nhiều nơi khi cúng miễu Bà còn mời sư đến tụng kinh cầu an.
Lễ hội làng xóm ở các đình, miếu vừa mang tính chất tín ngưỡng, vừa mang tính chất tri ân, cũng là dịp để bà con xóm làng vui chơi, thắt chặt tinh thần đoàn kết. ở khía cạnh nào đó, hình thức diễn xướng của lễ hội vừa có chức năng nghi lễ, lại vừa có chức năng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu hội hè của bà con trong làng, trong xóm. Bên cạnh đó, do tính chất dân dã của đình miếu ở địa phương đã khiến các lễ hội này thu hút nhiều khách đến hành hương lễ bái.

Lễ Chol Chnam Thmay
Là lễ mừng năm mới của người Khơme, được tổ chức vào giữa tháng ba âm lịch hàng năm. Đây cũng chính là lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa, thời điểm bắt đầu vụ sản xuất nông nghiệp theo nông lịch cổ truyền của người Khơme nên lễ Chol Chnam Thmay còn đồng nghĩa với việc mừng vụ mùa mới trong năm.

Lễ Đônta đóng vai trò quan trọng trong hệ thống

lễ hội cộng đồng của người Khơme ở Vĩnh Long

Lễ Chol Chnam Thmay là một trong những lễ quan trọng nhất trong năm, được tổ chức tại chùa và trong từng gia đình. Lễ kéo dài trong 3 ngày: ngày thứ nhất gọi là ngày “sangkran” tức là ngày “rước quyển Đại lịch” (Maha sangkran) với ý nghĩa đón mừng năm mới mà nghi thức lễ gắn với thần thoại Thomabal và Kabil Maha Prum; ngày thứ hai là ngày “wonbot”, mọi người sẽ đi chùa lễ Phật, mang thức ăn dâng cho các sư sãi; ngày thứ ba được gọi là ngày “Lơn sak” với các nghi thức chính là cầu siêu và tắm tượng Phật.
Trong ngày thứ ba của lễ, trước tượng đức Phật, chư tăng đọc kinh sám hối và sau đó dùng một cành hoa nhúng vào nước có hương thơm để tắm tượng Phật bằng cách vẩy nước thơm vào tượng. Sau đó, mọi người tuần tự đến trước tượng để làm lễ đức Phật. Đến đây thì Phật tử dùng nước thơm để vẩy lên người các vị sư để tỏ lòng tôn kính và cũng từ đó mọi người cùng té nước vào nhau để chúc mừng và cầu xin sự may mắn bởi đối với người Khơme nước là biểu tượng của sự sung túc và may mắn. Đây là nghi thức kết thúc hội lễ Chol Chnam Thmay nhưng cũng là sự tiếp nối cuộc vui trong những ngày đầu năm mới.

Tin xem nhiều nhất

Hình ảnh đặc trưng